April 14, 2025

Đừng mắng con nếu con học kém!!

Cha mẹ nào cũng muốn có đứa con thông minh, chưa dạy đã hiểu, học đến đâu tiếp thu đến đấy, mỗi ngày đi học về đều là điểm 10 đỏ chót. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hoàn hảo như vậy. Có những trẻ, đi học là nỗi thống khổ và học bài là một sự chịu đựng.

Có bà mẹ tâm sự, có khi cả tối, chị khản cả họng giải thích, dùng đủ mọi loại ví dụ trên trời dưới biển mà đứa con trai vẫn không giải xong một bài toán đơn giản lớp 2.

Có bà mẹ thì kêu trời bởi vào lớp 1, con người ta đã có thể ghép vần và đọc nhoay nhoáy rồi thì con chị vẫn chưa thể nhớ được bảng chữ cái. Có khi mẹ đọc trước, con đọc sau 1 hàng 10 chữ cái đến mấy lần, nhưng sau đó yêu cầu con tự đọc thì bé… tắc tị.


Người mẹ lúc này đã hết kiên nhẫn. Chị đập tay đập chân xuống giường chiếu mà kêu “Trời ơi sao mày ngu thế”, “Mày ăn phải cái gì mà mày dốt không để cho ai dốt với”. Càng dạy, càng quát, càng chửi thì cô con gái nhỏ càng cúi mặt khóc.

Nhưng tiếng khóc của con không làm chị mủi lòng mà còn phát điên lên nữa. Chị hét lên, “Câm miệng”, “Câm ngay”, “Tập trung vào đây”, “Nhìn vào chữ”. Chỉ có hai mẹ con nhưng nhà chị lúc nào cũng ồn ào. Mỗi lần chị dạy con, hàng xóm từ đầu ngõ đến cuối ngõ đều nghe thấy.

Dạy con học là cả một nghệ thuật:

Dạy con học là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người dạy phải có phương pháp thích hợp, khả năng sư phạm, khả năng nắm bắt tâm lý, khả năng điều chỉnh cảm xúc… Nếu bạn đang quá bức xúc với chuyện dạy mãi mà con không thuộc bài, hãy chú ý điều chỉnh chính bản thân mình trước khi than trách con.

Trước hết cha mẹ cần phải bình tĩnh, không nên nhìn vào nhược điểm, những điều chưa tốt của con mình mà nên nhìn vào những giá trị khác. Nếu con học kém nhưng vẫn ngoan ngoãn, lễ phép, khỏe mạnh… bạn có thể lấy đó làm tự hào về con để bình tĩnh tìm ra hướng giải quyết.

Hãy luôn thể hiện cho con thấy bạn tự hào về con, yêu con dù con có thế nào. Mặt khác, bạn nên ghi nhận, khen ngợi những điều con làm được. Còn những điều con chưa làm được thì hãy cho con thấy niềm tin của mình, rồi con sẽ làm được.

Để con học tập tiến bộ, bố mẹ cần phải có phương pháp dạy khoa học. Đừng nghĩ rằng quát con thật to, liên tục mắng con là con bạn giỏi được. Trước hết, bố mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân khiến con gặp khó khăn trong học tập.

Nếu như bé không lười, thậm chí rất chăm chỉ nhưng kết quả học tập không cao thì nhiều khả năng tư duy của con còn yếu, có thể là khả năng suy luận logic, khả năng tưởng tượng, khả năng tập trung, khả năng ghi nhớ còn yếu.

Vấn đề là cần tìm xem con đang yếu ở mảng nào, từ đó tìm những bài tập liên quan đến mảng đó để tạo cho con một nền tảng chắc chắn. Bạn có thể tìm hiểu các dạng bài tập này trên internet và nhiều phương tiện khác để hướng dẫn và cùng con làm bài. 

Chương trình học của học sinh ngày nay khác xa với các thế hệ trước. Vì vậy không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy học cho con được, kể cả những người có trình độ. Bởi vậy bản thân bố mẹ cũng phải có sự rèn luyện. Đôi khi để trẻ hiểu một vấn đề, tất cả nằm ở khả năng diễn đạt đơn giản.

Khi dạy con, cha mẹ còn phải hiểu được tâm lý trẻ. Có nhiều trẻ lại bị chi phối rất nặng về tâm lý, đặc biệt là những trẻ học kém. Những trẻ này thường rất sợ học. Bởi cứ mỗi lần học, ngoài việc phải đánh vật với những bài tập khó, trẻ còn không ngừng phải nghe sự chì chiết, mắng mỏ của bố mẹ, thầy cô và đối mặt với sự chê cười của bạn bè.

Vì thế sự chuẩn bị tâm lý ngày đầu cho trẻ đến trường rất quan trọng. Mặt khác hãy động viên trẻ, đừng làm cho con sợ học, đừng làm con chỉ thấy mình ngu dốt, đáng bị rầy la. Bạn nên nhớ nhồi nhét kiến thức vào đầu con bằng cách mắng chửi là một hạ sách.

Cha mẹ cũng đừng bao giờ lấy chuẩn kiến thức của mình để dạy con. Khi dạy con học là chúng ta đã biết về rất rõ về bài học đó rồi, trong khi với trẻ là cái mới. Nhưng bạn thường lấy mình ra làm chuẩn nên nói chừng vài lần trẻ không hiểu là la hét, quát mắng. Hậu quả là con sẽ lo sợ, sự tiếp thu bắt đầu giảm sút, về lâu dài có thể đối với con là nỗi ám ảnh, và trẻ sẽ sợ học, thậm chí trầm cảm, rối loạn, lo âu. Bởi vậy nếu để ý, bạn sẽ thấy nếu trẻ lớn mà dạy trẻ nhỏ học thì trẻ đó học rất vui vẻ và nhớ bài rất nhanh. Là bởi vì lúc đó trẻ không bị áp lực về tâm lý cũng như không bị cái “chuẩn” quá cao của người lớn ảnh hưởng.

Muốn dạy con học đòi hỏi cha mẹ phải có tính kiên nhẫn, biết kìm chế cảm xúc nóng giận, nếu không, việc bạn cố gắng dạy con sẽ trở nên vô tác dụng, thậm chí là phản tác dụng.

Đối với con, trước khi vào học, bạn hãy tạo cho con tâm lý thỏa mái bằng cách không ngừng động viên, chia sẻ với con chuyện trên trường trên lớp, làm con hứng thú với chuyện học. Còn khi tâm trạng không vui, không thỏa mái thì đừng cố gắng dạy.

Đôi khi bạn nên nhờ bất kỳ ai trong gia đình giúp bạn dạy bé học. Có thể một ai trong số đó mới là người thực sự có phương pháp đúng khiến bạn cần phải học tập.

Cuối cùng nếu cần thiết, bạn cũng nên tìm một giáo viên có kinh nghiệm để họ dạy đúng phương pháp sư phạm.

About ""

Nơi chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc giáo dục con nhỏ và bí quyết của một gia đình hạnh phúc

Post a Comment

 
Copyright © 2013 Vì Mẹ Yêu Con